Đoàn Quý Phi từ cô gái hái dâu chở thành người góp công cho sự phát triển của hải cảng quan trọng trên “Con đường tơ lụa trên biển”.Bà đã đưa nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa của xứ sở phát triển cực thịnh hồi Thế kỷ XVII, đưa sản phẩm tơ lụa Việt Nam ra với thị trường thế giới.
Bắt đầu từ mối lương duyên giữa cô gái hái dâu - vương phi Đoàn Quý Phi với với công tử Nguyễn Phúc Lan, một trong những ký ức đẹp của Hội An. Và mối tình này đã được công viên Ấn Tượng Hội An chuyển thể thành thành công qua mini show Bà chúa tằm tang.
Video mini show bà chúa tằm tang
Theo truyền thuyết dân gian, vào một đêm trăng đẹp, Thụy Quốc Công Nguyễn Phúc Nguyên lúc đó đang trấn giữ Quảng Nam dinh và con trai là Công Tử Nguyễn Phúc Lan dạo thuyền trên sông Thu Bồn.
Khi thuyền rồng ngược dòng sông từ Thanh Chiêm đến địa phận làng Chiêm Sơn, thuộc huyện Diên Phước, nổi tiếng trồng dâu nuôi tằm dệt lụa thì một giọng hát trong ngần và quyến rũ của một thôn nữ từ một nương dâu bên bờ sông vọng tới theo làn gió mát.
Cô gái hát rằng: Thiếp nghe chúa ngự thuyền rồng Thiếp thương phận thiếp má hồng nắng mưa... Một lát sau cũng giọng hát đó lại cất lên uyển chuyển, mượt mà nghe da diết làm sao:
Thuyền rồng Chúa ngự nơi đâu. Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình...!
Giọng hát và lời ca của cô thôn nữ trong đêm trăng thanh vắng đã làm rung động tâm hồn và xao xuyến trái tim của chàng công tử đa cảm Nguyễn Phúc Lan.
Được phép thân phụ, công tử cho thuyền rồng men theo triền sông đi tìm tiếng hát. Khi lên bờ, bên bóng dâu xanh thắm nhuộm ánh trăng vàng, chàng trai vương bá đem lòng say mê vẻ đẹp yêu kiều của một thục nữ vừa độ trăng tròn rất mực đôn hậu là Đoàn Thị Ngọc Phi, con gái út của một hào trưởng nổi tiếng, chuyên làm nghề tầm tang, quê ở làng Chiêm Sơn, huyện Diên Phước là Đoàn Công Nhạn.
Công Tử Nguyễn Phúc Lan và cô thôn nữ Đoàn Thị Ngọc Phi đã bén duyên vào tuổi mười lăm và sau đó hai năm, họ cùng nhau kết duyên trăm năm vào tuổi mười bảy và đã sống với nhau ở dinh trấn Thanh Chiêm.
Bà Đoàn Thị Ngọc Phi đã hết lòng ủng hộ, khuyến khích nhân dân các phủ Điện Bàn, Thăng Hoa phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, nhờ vậy mà nghề tầm tang ở Đàng Trong được mở mang, đã mở mang vào thời kỳ đó và đã sản xuất được nhiều mặt hàng tơ lụa nổi tiếng như đoạn, lãnh, gấm, vóc, trườu, sa để bán trong nội địa và xuất khẩu ra nước ngoài qua thương cảng Hội An.
Bởi vậy, Lê Quý Đôn đã viết trong "Phủ Biên Tạp Lục" rằng “Người Phủ Thăng, Phủ Điện dệt được các loại the, đoạn, lụa, là hoa hòe chẳng kém gì Quảng Đông”.
Cũng từ đó, cảng thị Hội An dưới thời Chúa Nguyễn đã trở thành một trung tâm trung chuyển của con đường tơ lụa quốc tế xuyên đại dương trong thế kỷ XVI - XVII nối liền Tây Âu và Viễn Đông. Và Bà Đoàn Thị Ngọc Phi trở thành "Bà Chúa Tầm Tang" ở Đàng Trong.
Có thể nói nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa nói chung và “bà chúa tằm tang” nói riêng đóng vai trò hết sức quan trọng với lịch sử của Hội An.