Mini show Hịch Tuyển Tướng

Xuất phát từ câu chuyện có thật trong lịch sử khi chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên lần đầu tiên đã dùng sức mạnh của thủy binh Việt chiến thắng binh lực hùng mạnh và trang bị hiện đại hơn của 3 chiếc tàu Hà Lan tại cửa biển Hội An.

Show diễn “Tuyển Tướng” là câu chuyện kể về sự tự hào với sức mạnh dân tộc và tinh thần thượng võ của dân tộc Việt khi nghe lời kêu gọi tòng quân của Chúa Nguyễn để bảo vệ sự bình yên của đất nước và sự bất khả xâm phạm cương thổ của Tổ Quốc.

Với bài đồng diễn “Độc lư thương” - bài thương thuật truyền thống nổi tiếng của võ cổ truyền Tây Sơn - Bình Định, và phần biểu diễn đối kháng gay cấn, hấp dẫn, các chiến binh đã làm nên một show diễn mang tính hành động, biểu diễn võ thuật đặc biệt, góp phần tạo nên sư phong phú cho các hoạt động biểu diễn tại Công viên văn hoá chủ đề “Ấn tượng Hội An 

Cuộc chiến đầu tiên giữa Đại Việt và Tây phương

Đầu năm 1642,  5 tàu chiến Hà Lan với khoảng 200 thủy thủ và quân sĩ dưới sự chỉ huy của Van Liesvelt thẳng tiến đến Đà Nẵng, tấn công quân đồn trú, bắt người. Tuy nhiên cư dân đã phát hiện sớm và báo cho quan viên địa phương. Khi thuyền Hà Lan cập bến đổ bộ lên bờ thì bị tấn công bất ngờ. Cuộc chiến diễn ra cả trên biển lẫn trên bộ, Van Liesvelt cùng nhiều binh sĩ bị tử trận.

Đây có thể được xem là cuộc đụng độ đầu tiên giữa Đại Việt là quân Tây phương, kết quả quân Hà Lan bị thất bại thảm hại.

Cuộc hải chiến lịch sử

Sau sự việc này, Hà Lan quyết định hợp quân với chúa Trịnh để đánh chúa Nguyễn. Năm 1643 đội tàu chiến của Hà Lan đến Đàng Ngoài hội quân với chúa Trịnh, chia làm hai nhóm:

• Nhóm tàu chiến Hà Lan thứ nhất đã đến trước hợp cùng 10 vạn quân của chúa Trịnh Tráng chuẩn bị đánh Đàng Trong.
• Nhóm thứ hai gồm 3 tàu chiến lớn của Hà Lan dưới sự chỉ huy của Pieter Baeck khởi hành sau.

Thuyền của Hà Lan trên đường gặp bão, thay vì phải đến Đàng Ngoài thì lại bị gió bão bão đánh dạt về hướng cảng Eco (tức Thuận An, Phú Vang, Thừa Thiên – Huế ngày nay).

Theo các sách sử ghi chép lại thì lúc này chúa Nguyễn Phúc Lan cũng nhận được tin chiến thuyền Hà Lan ra Đàng Ngoài, nhưng chưa dám quyết định có nên chặn đánh bằng đường biển hay không vì các tàu chiến của Tây phương được trang bị rất hiện đại. Các quan không ai dám lên tiếng vì e ngại sức mạnh của các tàu Tây phương.

Chúa bèn tìm hỏi một người Hà Lan đang giúp việc cho mình, thì người này trả lời rằng: “Tàu Hà Lan chỉ sợ mãnh lực và quân đội của trời thôi”. Lúc này Thế tử Nguyễn Phúc Tần liền dẫn quân đi đánh.

Sách Đại Nam thực lục ghi chép như sau:
“Bấy giờ, giặc Ô Lan (tức Hà Lan) đậu thuyền ngoài biển, cướp bóc lái buôn. Quân tuần biển báo tin. Chúa đương bàn kế đánh dẹp. Thế tử (tức Nguyễn Phúc Tần) tức thì mật báo với chưởng cơ Tôn Thất Trung (con thứ tư của Hy Tông), ước đưa thủy quân ra đánh. Trung lấy cớ chưa bẩm mệnh, ngần ngại chưa quyết. Thế tử tự đốc suất chiến thuyền của mình tiến thẳng ra biển. Trung bất đắc dĩ cũng đốc suất binh thuyền theo đi, đến cửa biển thì thuyền của thế tử đã ra ngoài khơi. Trung lấy cờ vẫy lại, nhưng thế tử không quay lại. Trung bèn giục binh thuyền tiến theo. Chiếc thuyền trước sau lướt nhanh như bay, giặc trông thấy thất kinh hoảng sợ”.

Khi cách sông Gianh 5 dặm về phía Nam, quân Hà Lan bất ngờ khi thấy khoảng 50 thuyền chiến Đàng Trong đang đợi sẵn. Thế nhưng quân Hà Lan cũng không lo lắng quá vì tàu chiến của họ rất mạnh và hiện đại, được trang bị trọng pháo, đã chinh phục được Batavia và vùng quần đảo Indonesia.

Thế tử Nguyễn Phúc Tần lệnh cho các thuyền chiến bao vây tấn công 3 tàu chiến Hà Lan. Các tàu Hà Lan trút hỏa lực tối đa. Một số tàu bị trúng đạn, nhưng số tàu khác vẫn tiến lại gần tàu chiến Hà Lan. Nhờ nhỏ nhẹ nên tàu chúa Nguyễn tiến rất nhanh.
Thấy tình thế nguy ngập, một tàu Hà Lan tìm cách tháo chạy, một tàu khác lúng túng va vào đá khiến cả tàu và người chìm xuống biển. Tàu lớn nhất không chạy kịp ở lại chống cự quyết liệt, quân chúa Nguyễn áp sát tràn được vào tàu.

Tuyệt vọng, thuyền trưởng Pieter Baeck cho nổ kho thuốc súng trên tàu, tử trận cùng quân sĩ. 7 thủy thủ nhảy xuống biển cố bơi thoát nhưng đều bị bắt.

Đây được xem là cuộc hải chiến đầu tiên giữa thủy binh Đại Việt với phương Tây.
Thời điểm đó, việc tàu chiến hiện đại phương Tây bị một nước phương Đông đánh bại được xem là một bất ngờ khiến các nhà sử học phương Tây rất ấn tượng và đi vào nghiên cứu, TS Li Tana viết:
Những người Hà Lan sống sót đã chỉ trích nặng nề viên chỉ huy của họ là đã không lường trước được cuộc tấn công của kẻ địch. Trong cả hai trận chiến (1642 và 1643 – PV), các cuộc tấn công bất ngờ của họ Nguyễn đã đặt người Hà Lan vào thế thủ ngay từ giây phút đầu. Theo Tiền biên, họ Nguyễn đã chuẩn bị kỹ lưỡng vì đã nhận được báo cáo từ một đội đặc biệt gọi là tuần hải, thêm vào là các trạm gác dọc bờ biển…”.

Theo : trithucvn

Đăng bởi :Ký Ức Hội An
Địa chỉ : Cồn hến - 200 Nguyễn Tri Phương (rẽ trái) - Cẩm Nam - Hội An
Hotline : 0983 257730